Chương 4

Một buổi khiêu vũ được tổ chức để ăn mừng ngôi nhà mới trắng như một con bồ câu. Ucsula từng ấp ủ ý nghĩ ấy ngay từ buổi chiều bà thấy Rêbêca và Amaranta đã trở thành những thiếu nữ và hầu như có thể nói rằng cái lý do chủ yếu của việc xây cất nhà mới là niềm khao khát mong muốn cho các cô gái có một chỗ tiếp khách xứng đáng. Trong khi tiến hành công việc xây dựng lại ngôi nhà, Ucsula vất vả làm lụng như một tên tù khổ sai để không một trở lực nào cỏ thể dìm tắt cái mục đích rực rỡ ánh hào quang ấy.

Do đó trước khi các công việc này hoàn thành, bà đã gửi mua sắm các đồ trang trí và đồ ăn thức đựng, toàn là những thứ đắt tiền. Trong số đó có một vật kỳ diệu từng khiến cho cả làng ngạc nhiên và khiến cho tuổi trẻ phải sung sướng thích thú, đó là cây đàn pianô tự động. Người ta chở từng bộ phận của nó đến. Những bộ phận này được để trong mấy chiếc thùng và chúng được moi ra khỏi thùng cùng với bàn ghế giường tủ sản xuất tại Viên, gương kính sản xuất ở xứ Bôhêmia, bát đĩa do Công ty Tây Ấn sản xuất, khăn phủ bàn của Hà Lan và hàng loạt đèn dầu và đèn nến, bình hoa, màn lụa in hoa treo tường và thảm trải nhà. Công ty nhập khẩu đã phái một chuyên gia người Ý giàu kinh nghiệm, tên là Piêtrô Crêspi, đến nhà để lắp và chỉnh cây đàn pianô tự động, để dạy cách sử dụng cho những người mua nó và nhất là dạy họ khiêu vũ theo âm nhạc hợp mốt thời đại được in trên sáu cuộn băng.

Piêtrô Crêspi là một thanh niên trẻ, tóc hung, một người đẹp trai nhất và có học vấn nhất ở Macônđô, là một người tự trọng trong cách ăn mặc đến mức mặc cho không khí nóng hầm hập anh vẫn mặc bộ quần áo bằng lụa bó sát người và một chiếc áo khoác ngoài bằng dạ thâm dày cộp. Người xâm xấp mồ hôi, cố giữ một khoảng cách rõ ràng giữa mình với các chủ nhân, anh đã ở lỳ vài tuần liền trong phòng đóng kín cửa, với sự say mê giống hệt sự say mê của Aurêlianô trong xưởng làm đồ kim hoàn. Có một buổi sáng nọ, không hề mở cửa, không cần cầu cứu một nhân chứng thần thánh nào, anh đặt một băng nhạc lên cây đàn pianô tự động, và thế là âm nhạc trong trẻo và du dương vang lên khiến cho những tiếng búa chát chúa và những tiếng va chạm thường xuyên của các tấm gỗ bỗng ngừng bặt trong cái thanh vắng đến thảng thốt. Tất cả mọi người vội đổ xô tới phòng khách. Hôsê Accađiô Buênđya hào hứng hẳn lên không phải do vẻ đẹp hấp dẫn của âm nhạc mà là do cây đàn pianô tự động gõ lấy phím đàn và ông đã đặt chiếc máy ảnh của Menkyađêt ở trong phòng khách với hy vọng sẽ chụp được bức ảnh người chơi nhạc vô hình. Ngày hôm ấy nhạc sư người Ý ăn trưa với gia đình. Rêbêca và Amaranta giữ nhiệm vụ hầu bàn, đều có cảm tình trước cử chỉ nhẹ nhàng khoan thai của con người thanh tao ấy trong lúc đôi bàn tay da mái xanh không đeo nhẫn của anh sử dụng thìa ma trên bàn ăn. Trong phòng chờ ăn thông với phòng khách, Piêtrô Crêspi dạy hai cô gái khiêu vũ. Đánh nhịp bằng chiếc máy đo tiết điệu, anh dạy họ đưa chân mà tay không chạm vào thân thể họ trong sự canh chừng rất đáng yêu của Ucsula, người không lúc nào bỏ đi ra ngoài phòng khách trong lúc các con gái bà học nhẩy. Trong những ngày đó, Piêtrô Crêspi mặc những chiếc quắn đặc biệt, mềm mại bó sát lấy cơ thể và đi một đôi giày múa. "Bà không tội gì mà cứ phải lo lắng thế", Hôsê Accađiô Buênđya nói với vợ. "Cái anh chàng này là một gã ái nam ái nữ thôi". Song bà vẫn những thôi việc canh chừng một khi việc học khiêu vũ của các con gái chưa xong và anh chàng người Ý chưa đi khỏi Macônđô. Vậy là bà bắt tay vào công việc chuẩn bị ngày vui. Ucsula lên danh sách những người được mời tới dự tiệc, trong đó những người duy nhất được chọn mời là con cháu của các bậc sáng nghiệp làng Macônđô, trừ gia đình Pila Tecnêra mà lúc ấy đã có thêm hai đứa con hoang. Thực ra đó là một sự lựa chọn độc đáo lược quyết định bởi những tình cảm bạn bè, vì những người tược chọn không chỉ là những người bạn chí cốt đối với nhà Hôsê Accađiô Buênđya kể từ trước khi tiến hành cuộc di cư đưa tới sự ra đời của làng Macônđô, mà còn vì những con cháu của họ vốn là bạn nối khố từ thuở ấu thơ của Aurêlianô và Accađiô. Các con gái họ vốn là những cô gái duy nhất thường đến chơi thà để cùng thêu thùa với Rêbêca và Amaranta. Đông Apôlina Môscôtê, một quan chức tốt bụng mà hoạt động của ngài đã thu hẹp ở việc giữ lại hai viên cảnh sát chỉ vũ trang bằng dùi cui và nuôi họ trong điều kiện kinh tế eo hẹp của mình, chỉ là nhà chức trách trên danh nghĩa. Để đảm bảo chi tiêu hàng ngày, các cô gái của ngài đã phải mở một hiệu may vừa nhận làm thuê những bông hoa nỉ, vừa nhận làm cả mứt ổi lẫn viết thuê những bức thư tình cho các chàng trai cô gái trong làng. Mặc dù có đức khiêm tốn và ngoan nết, con gái ngài - những cô gái đẹp và nhảy các điệu vũ mới uyển chuyển nhất làng này - đã không tìm nổi cách nào để người ta mời mình đến dự ngày vui.

Trong lúc Ucsula và các cô gái mở hộp lấy ra các đồ dùng, lánh bóng bát đĩa cốc tách và treo lên tường những bức tranh các bà quý phái đứng trên những chiếc thuyền chở đầy hoa lồng, và bằng những công việc ấy mẹ con bà đã truyền hơi thở cuộc đời mới cho các phòng nhẵn bóng do những người thợ nề cây nên thì Hôsê Accađiô Buênđya từ bỏ việc truy tìm hình ảnh thượng đế, ông buộc phải thừa nhận sự không tồn tại của người, và đã bổ cây đàn pianô tự động ra để tìm hiểu cài huyền bí của nó. Sau bao ngày lúng túng trước mớ bòng bong những sợi dây duỗi ra ở một đầu để rồi lại cuộn lại ở đầu kia và một đống những chốt và cần đàn thừa ra, Hôsê Accađiô Buênđya cũng lắp lại được cây đàn pianô tự động nhưng lắp rất tồi. Ông làm xong việc này hai ngày trước khi có cuộc vui. Chưa bao giờ ở nhà này có nhiều lo lắng với tất tả chạy vạy như những ngày ấy. Song những cây đèn mới thắp nhựa đường vẫn cứ bừng sáng vào đúng ngày và giờ qui định. Nhà mở rộng toang cửa, vẫn còn thơm mùi nhựa thông và mùi vôi ẩm. Con cháu của các bậc sáng nghiệp làng Macônđô làm quen với hành lang những chậu cảnh trồng cây dương xỉ và cây thu hải đường, những căn phòng thanh vắng, vườn hoa ngào ngạt mùi hoa hồng, rồi bọn họ họp mặt nhau trong phòng khách trước cỗ máy chưa từng biết đã được phủ một tấm vải trắng. Những ai từng biết đàn pianô thường dùng, rất phổ biến ở các làng quanh vùng đầm lầy đều cảm thấy chút ít thắc thỏm. Nhưng cay cú hơn cả vẫn là nỗi thất vọng của Ucsula khi người ta đặt một băng nhạc lên cây đàn pianô tự động để Rêbêca và Amaranta mở đẩu buổi khiêu vũ, nhưng máy móc đã không hề chuyển động.

Menkyađêt, mà lúc này hầu như đã lòa mắt, cố nhớ lại các ngón nghề trong kho trí thức bác cổ của mình để vận dụng vào việc sửa chữa cây đàn pianô tự động. Cuối cùng, hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, Hôsê Accađiô Buênđya đã khiến cho một bộ máy chết bỗng quay được và do đó âm nhạc phát ra lúc đầu nghe rầu rĩ sau nghe tuôn chảy như dòng suối âm thanh gồm những nốt nhạc khó hiểu. Các cần đàn gõ loạn xạ. Chúng cứ đập hoài vào các dây cây đàn được bố trí bừa bãi, không theo một trật tự nào và do đó những dây đàn này rung lên run rẩy đầy vẻ sợ hãi.

Nhưng những cháu con ương bướng của hai mươi mốt người bạo phổi từng đi xuyên rừng theo hướng tây để tìm biển, đã biết vượt qua những chỗ khó nhẩy do sự thay đổi của âm nhạc gây nên, và do đó buổi khiêu vũ đã kéo dài cho đến sáng.

Piêtrô Crêspi đã trở lại để sửa chữa cây đàn pianô tự động.

Rêbêca và Amaranta giúp anh sắp đặt thứ tự các dây đàn và họ cùng phụ hoạ cười với anh vào những chỗ khó nhẩy của các điệu van. Anh tỏ thái độ rất đáng kính trọng và có tư chất cao thượng đến mức khiến cho Ucsula không thấy cần thiết phải canh chừng các buổi học khiêu vũ của các con gái mình. Đêm trước ngày anh lên đường, một buổi khiêu vũ với cây đàn pianô tự động đã sửa sang tất được tổ chức gấp để tiễn anh. Anh đã cùng với Rêbêca biểu diễn tuyệt hay các điệu vũ hiện đại.

Accađiô và Amaranta cũng không kém họ trong những động tác duyên dáng và hoạt bát. Nhưng buổi biểu diễn buộc phải ngừng lại bởi vì Pila Tecnêra, mà lúc ấy đang ở ngoài cửa cùng với những kẻ tò mò, đã ẩu đả với một người đàn bà dám bình luận rằng Accađiô có bộ mông đàn bà. Đến nửa đêm, Piêtrô Crêspi đã chia tay gia đình bằng một bài phát biểu chan chứa tình cảm lưu luyến và hứa không lâu sẽ trở lại. Rêbêca đưa tiễn anh đến tận cửa chính, và sau khi đã đóng kín các cửa và đã tắt đèn nhà thì cô vào phòng mình để khóc. Đó là một tiếng khóc não nề kéo dài vài ngày mà về nguyên nhân của nó thì không ai biết kể cả Amaranta. Cô vốn là người khó hiểu và điều đó không có gì là lạ. Dù có cái vẻ bề ngoài dường như cởi mở và lễ mạo, nhưng thực ra cô vốn là người cô đơn và có trái tim thầm kín khôn lường. Cô là một cô gái đang tuổi dậy thì lộng lẫy, dáng người son sẻ và lại thích ngồi trên chiếc ghế xích đu gỗ cô đã mang theo đến nhà, từng được sửa chữa nhiều lần và đã thiếu tay ngai. Không một ai phát hiện ra rằng vào tuổi ấy cô vẫn giữ thói mút ngón tay. Bởi thế cô không bao giờ bỏ lỡ dịp ở một mình trong buồng tắm và duy trì thói quen ngủ quay mặt vào tường. Trong những buổi chiều mưa, đang lúc ngồi thêu với một nhóm bạn gái ở hành lang đặt những chậu cây thu hải đường, bỗng dưng cô không chú tâm theo dõi mạch chuyện đang sôi nổi, để một giọt nước mắt nhớ nhung lăn trên gò má làm mặn cuống lưỡi mình khi nhìn thấy những vỉa đất ướt và những viên sét mà giun đùn lên từng đống nhỏ trong vườn hoa. Khi cô bắt đầu khóc thì những thích thú vụng trộm ấy, từng bị nước cam hoà với bột đại hoàng dành bại trong những năm trước đây lại trỗi dậy trong nỗi khao khát không thể kiềm chế được. Cô lại ăn đất như trước đây. Lúc đầu cô ăn hầu như chỉ vì tính tò mò bởi tin rằng mùi khó chịu của đất sẽ là phương thuốc hữu hiệu để cưỡng lại ý muốn của mình. Và quả nhiên là cô không thể chịu được đất ở trong mồm. Nhưng do cơn thèm khát đang ngày một lớn thêm khuất phục, cô đã cố gắng chịu đựng. Đó là cơn thèm khát trước đây, là sở thích ăn quặng mỏ, là niềm vui háo hức được ăn món ăn nguyên thuỷ. Cô nhét các mẩu đất vào túi rồi lén ăn từng mẩu một mà không bị ai nhìn thấy. Cô ăn chúng mà tự cảm thấy vừa sung sướng mãn nguyện vừa giận hờn ai oán trong lúc dạy các bạn gái học những mũi thêu hóc hiểm nhất và nới chuyện về những người đàn ông không xứng đáng với sự hy sinh mà vì họ cô phải ăn vôi tường. Những mẩu đất này ngày một ít xa xưa hơn và ngày một rõ nét hơn đối với người đàn ông duy nhất xứng đáng với sự tự huỷ hoại ấy, cứ như thể mặt đất mà anh ta với đôi ủng vécni thanh nhã của mình giẫm lên ở một nơi khác nơi trần gian này sẽ truyền cho cô gái sức nặng và độ ấm nóng của máu anh ta trong mùi vị của quặng mỏ từng để lại một cảm giác chua chát ở miệng cô và một lớp cặn của sự bình yên đọng lại mãi mãi ở trái tim cô.

Một chiều nọ, không một duyên cớ gì, bỗng nhiên Amparô Môscôtê xin được đến thăm nhà. Amaranta và Rêbêca bối rối trước chuyến đến chơi nhà không hẹn trước, đã phải miễn cưỡng đón tiếp. Họ dẫn cô đi xem ngôi nhà mới làm lại, cho cô nghe những băng nhạc phát ra từ cây đàn pianô tự động, mời cô ăn cam với bánh bích quy. Amparô tự thể hiện là cô gái danh giá vui vẻ và nền nếp khiến cho Ucsula cảm động trong những giây lát bà cùng ngồi tiếp khách. Sau hai giờ, khi buổi nói chuyện đã bắt đầu tàn, Amparô lợi dụng lúc Amaranta lơ đễnh đã đưa cho Rêbêca một bức thư. Cô gái chỉ kịp nhìn dòng chữ: gửi cô Rêbêca Buênđya trác việt được viết với một lối chữ ngay ngắn, một thứ mực xanh và lối để cách chữ vừa thoáng vừa đẹp mắt mà chúng vẫn được dùng để viết những lời chỉ dẫn cách thức sử dụng cây đàn pianô tự động, rồi bèn lấy ngón tay cẩn thận gấp và viết bức thư rồi cất vào trong yếm ngực. Cô đưa mắt nhìn Amparô Môscôtê hàm ý vừa cảm ơn khôn xiết, vừa thầm hứa thực hiện điều ước nguyện cho tới khi chết.

Tình bạn bỗng nhiên có giữa Amparô và Rêbêca đã thức dậy những hy vọng của Aurêlianô. Nỗi nhớ nhung cô bé Rêmêđiôt không ngừng giày vò nhưng anh không có dịp gặp lại cô bé. Khi cùng với những người bạn cố tri của mình như Măcgơmphicô Visban và Hêrinênđô Mackêt - những đứa con của những bậc sáng nghiệp cùng tên như vậy - đi dạo chơi quanh làng, bằng đôi mắt háo hức anh dò tìm cô bé ở trong hiệu may nhưng anh chỉ thấy các bà chị cô. Việc Amparô Môscôtê có mặt ở nhà mình giống như một điểm báo. "Em sẽ đến cùng với chị", Aurêlianô tự nhủ thầm. "Cô em sẽ đến". Anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần với tất cả niềm tin. Do đó một buổi chiều nọ khi đang làm con cá vàng trong xưởng kim hoàn, anh có niềm tin chắc chắn rằng cô bé đã đáp lại tiếng gọi của trái tim mình. Quả nhiên, sau đó ít lâu, anh nghe thấy tiếng nói trong trẻo ngây thơ và vào lúc ngẩng mặt lên với trái tim giật thốt anh nhìn thấy cô bé mặc bộ váy áo bằng sa mỏng màu hồng, đi ủng trắng đứng ngay trước cửa.

- Rêmêđiôt ơi, em đừng vào đấy nhé! - Amparô Môscôtê đứng ở hành lang gọi. - Người ta đang làm việc mà!

Nhưng Aurêlianô đã không để cho cô bé kịp nghe lời chị mình: Anh chìa con cá vàng miệng ngậm một cái vòng nhỏ rồi nói với cô bé:

- Vào đây! Vào đây!

Cô bé bước lại gần và hỏi anh một vài câu hỏi mà Aurêlianô không thể trả lời nổi, bởi vì cơn hen bất thình lình đến đã ngăn cản anh. Anh muốn mãi mãi ở bên cô bé, gần kề với nước da trắng ngà, gần kề với đôi mắt xanh màu ngọc bích, gần kề với tiếng nói mà mỗi câu hỏi cô bé cứ gọi anh là "ngài" với tất cả lòng kính trọng cô vẫn dành cho cha. Menkyađêt ngồi ở xó phòng bên cạnh bàn viết, đang ghi lại những ký hiệu không thể nào đọc được. Aurêlianô căm tức cụ. Anh không làm gì được ngoại trừ việc anh bảo Rêmêđiôt là sẽ tặng cô một con cá vàng và cô bé hoảng hốt trước tặng vật đã vội vàng ù té chạy ra khỏi xưởng kim hoàn. Chiều ấy, Aurêlianô mất bình tĩnh, cái bình tĩnh thâm trầm anh vẫn thường có để chờ đón dịp được thìn cô bé. Anh sao lãng công việc. Trong những cố gắng tuyệt vọng để tập trung tư tưởng, đã nhiều lẳn anh gọi tên cô bé nhưng Rêmêđiôt đã không đáp lời. Anh tìm cô bé ở hiệu may của các chị cô, trong các buổi đến chơi nhà cô, trong văn phòng cha cô, nhưng anh chỉ thấy cô trong hình ảnh thấm đậm nỗi cô đơn khủng khiếp của chính mình. Hàng giờ và hàng giờ cùng với Rêbêca anh ngồi trong phòng khách để nghe nhạc van phát ra từ cây đàn pianô tự động. Rêbêca nghe những bản nhạc van là vì Piêtrô Crêspi đã dạy cô nhảy với thứ nhạc đó. Còn Aurêlianô nghe những bản nhạc van là vì, chỉ đơn giản thôi, chính thứ âm nhạc ấy gợi anh nhớ Rêmêđiôt.

Ngôi nhà đầy ứ tình yêu, Aurêlianô biểu hiện tình yêu của mình trong thơ, những vần thơ không đầu không cuối. Anh viết chúng trên những tấm da thuộc do cụ Menkyađêt tặng, trên tường nhà tắm, trên làn da hai cánh tay mình, và trong những vần thơ đó biểu hiện một Rêmêđiôt méo mó: Rêmêđiôt trong cơn gió vật vờ lúc hai giờ chiều, Rêmêđiôt trong hơi thở trầm mặc của những bông hồng, Rêmêđiôt trong hơi bánh nghi ngút khói mới ra lò lúc ban mai, Rêmêđiôt ở khắp mọi nơi và Rêmêđiôt mãi mãi và mãi mãi. Đứng thêu bên cửa sổ, Rêbêca ngnng mong tình yêu đến vào lúc bốn giờ chiều. Cô biết răng con lừa của người đưa thư chỉ đến làng này nửa tháng một lần, nhưng lúc nào cô cũng mong ngóng mà lòng nhủ rằng do nhầm lẫn nó có thể đến bất cứ ngày nào. Nhưng đã xây ra một việc trái lại hoàn toàn: có một lần con lừa không đến đúng cái ngày quy định. Thế là cô gái phát điên vì thất vọng. Đang lúc nửa đêm, cô thức dậy ăn những vốc đất bốc ở ngoài vườn hoa. Trong nỗi khao khát muốn tự tử, cô khóc lóc thảm thiết vừa đau khổ vừa giận hờn, mà nhai những con giun mềm mại, mà nghiến sụn những chú ốc sên. Cô nôn mửa cho tới sáng Cô lả đi vì kiệt sức. Cô mất trí khôn và trái tim cô bồi hồi đập không còn biết xấu hổ. Ucsula hoảng hốt mở khoá rương và bắt gặp ở dưới đáy mười sáu lá thư thơm lựng được buộc cẩn thận bằng những dải nơ hồng, cùng với những bộ xương lá và đài hoa ướp khô giấu trong các cuốn sách cổ và xác khô những con bướm, mà nếu khẽ chạm phải chúng sẽ biến ngay thành bụi.

Aurêlianô là người duy nhất hiểu được nỗi thống khổ vô bờ.

Buổi chiều ấy, trong lúc Ucsula cố gắng điều trị cho Rêbêca khỏi cơn mê mẩn thì anh cùng với Măcgơniphicô Visban và Hêrinênđô Mackêt đến tiệm ăn của bác Catarinô. Tiệm ăn đã được mở rộng với một dãy phòng gỗ, phòng của những người đàn bà son phấn sống độc thân. Một ban nhạc gồm trống và đàn phong cẩm chơi các bài hát của cụ Phranxixcô - Con Người đã biến mất tăm khỏi làng Macônđô từ mấy năm nay. Ba người bạn uống rượu goarapô. Măcgơniphicô và Mackêt là những người cùng thời với Aurêlianô, nhưng lại thạo đời hơn anh về ngón ăn chơi. Cả hai đều xả láng uống rượu với các cô gái ngồi trên đùi mình. Một trong số những cô ấy, cái cô héo hon và cắm răng vàng ấy đã chủ động chài Aurêlianô. Nhưng anh không thích cô này. Anh nhận thấy rằng mình càng uống rượu càng nhớ Rêmêđiôt da diết, nhưng nỗi nhớ nhung dằn vặt lại dễ chịu hơn. Anh không biết từ lúc nào người mình lâng lâng bay bổng.

Anh nhìn thấy các bạn mình cùng những người đàn bà trôi nổi bồng bềnh đang bơi trong ánh sáng phản chiếu rực rỡ, mà nói những lời dường như không phát ra từ miệng họ, mà làm những cử động thần bí dường như không ăn nhập với cử chỉ.

Bác Catarinô đặt tay lên ngang lưng anh, bảo: "Sắp mười một giờ rồi". Aurêlianô quay mặt lại, nhìn thấy một gượng mặt to bự, méo mó trên tai gài một bông hoa nỉ, và thế là anh mất luôn trí nhớ như trước đây anh từng mắc bệnh đãng trí, rồi sau đó anh lại nhớ được rằng: vào một buổi sáng sớm xa vời và ở trong một căn buồng hoàn toàn khác lạ đối với anh là nơi đang có mặt Pila Tecnêra mặc đồ lót, chân không đi tất, đầu tóc bù xù, cầm cây đèn dầu soi tỏ mặt anh và thị sửng sốt nửa tin nửa ngờ:

- Ôi trời, Aurêlianô dấy à!

Aurêlianô đứng vững trên hai chân, ngẩng đầu lên. Anh quên mất không biết làm thế nào mà mình đi đến đây nhưng vẫn nhận rõ mình đến với mục đích gì rồi, bởi vì từ thuở còn thơ anh đã mang theo mình cái mục đích ấy và giấu kỹ nó trong cõi sâu kín nhất của trái tim mình.

- Tôi đến để ngủ với chị đây!

Anh mặc bộ quần áo vấy bẩn bùn đất và thức ăn nôn ra. Pila Tecnêra, mà lúc ấy sống một mình với hai đứa con nhỏ nhất của thị, không hỏi anh một lời. Thị đưa anh tới giường nằm. Lấy giẻ lau ướt, thị chùi mặt cho anh, cởi quần áo cho anh, rồi sau đó thị tự mình lõa lỗ, buông màn để đám trẻ nhỏ nhỡ ra thức dậy khỏi nhìn thấy. Thị mệt mỏi đợi một người đàn ông ở lại, rồi trông chờ những người đàn ông đã bỏ đi, rồi mong tất cả đều nhầm lẫn do sự không chính xác của những quân bài. Trong lúc chờ đợi, da thị nhăn nheo, ngực thị mềm nhẽo, và trái tim thị không còn bốc lửa tình nồng say như xưa nữa. Thị mò tìm Aurêlianô trong bóng tói rồi hôn lên cổ anh với tình cảm âu yếm của người mẹ: "Ôi chú nhóc đáng thương của ta". Aurêlianô bủn rủn rùng mình với ngón chơi thong thả, không gây tiếng động, anh để lại phía sau mình những bến bờ của nỗi đau và anh gặp Rêmêđiôt đã biến thành một hồ nước rộng mênh mông không thấy đường chân trời, sực nức mùi con vật non và mùi quần áo vừa mới là. Khi thấy mình bâng khuâng trôi nổi trên hồ nước ấy anh khóc lóc. Lúc đầu là những tiết nấc ấm ức, tức tưởi.

Rồi sau anh lúng túng bơi trong một nguồn nước không bờ mà cảm thấy cái gì đó vừa đau nhoi nhói vừa tức anh ách vỡ tung trong bụng mình. Bằng cách lấy ngón tay quất đầu anh, thị đợi chờ cho tới khi cơ thể anh thải ra một chất xam xám khiến cho anh mệt lử. Lúc đó Pila Tecnêra hỏi anh: "Ai thế vậy?".

Aurêlianô nói cho thị biết tên người ấy. Thị bật một tiếng cười, cái tiếng cười từng làm giật thót những chú chim bồ câu mà lúc này vân không hề làm đám trẻ thức giấc. "Thế thì anh phải nuối con bé mất". Thị giễu cợt anh. Nhưng trong sự giễu cợt ấy, Aurêlianô bắt gặp nơi yên tĩnh của dòng thông cảm. Khi ra khỏi phòng, anh đã lưu lại ó đó không chỉ sự không rõ ràng về sức cường tráng của mình mà còn cả sức nặng cay đắng từng bóp nghẹt trái tim mình nhiều tháng ròng rã. Pila Tecnêra bỗng hứa với anh:

- Ta hứa là sẽ đến nói chuyện với con bé, - thị nói, - và anh sẽ thấy là ta đưa nó đến cho anh chẳng khó khăn gì.

Thị đã thực hiện lời hứa trong một thời điểm bất lợi vì ngôi nhà của Buênđya đã mất đi không khí êm đềm của những ngày trước đây. Khi phát hiện ra nỗi đam mê của Rêbêca, vốn không thể giữ kín được vì cô bé cử gào thét hoài, Amaranta cũng phát sốt. Cô gái cũng cảm thấy cái gai nhức nhối của tình yêu cô đơn.

Tự giam mình trong nhà tắm, cô gái làm dịu nhẹ đi cơn giông tố của một nỗi đam mê không hy vọng để viết những lá thư nóng bỏng mà cô tự bằng lòng giấu kín dưới đáy rương. Ucsula hầu như không đủ sức để chàm sóc hai cô con gái ôm. Trong những lúc vấn an dài dòng và tế nhị, bà vẫn không hiểu được nguyên nhân nào đã dẫn Amaranta đến tình trạng suy nhược. Cuối cùng, trong một thoáng bừng sáng trí thông minh, bà phá khóa rương và bắt gặp những bức thư được sợi nơ hồng buộc chặt, căng phồng những bông huệ tươi, vẫn còn nhòe nước mắt, để gửi nhưng sẽ không bao giờ gửi cho Piêtrô Crêspi. Uất ức mà khóc, bà nguyền rủa cái giờ mình nẩy ra ý định mua cây đàn pianô tự động, cấm ngặt các buổi học thêu và tuyên bố để tang, một thứ tang không có người chết trong một thời kỳ dài cho đến khi các con gái bà vỡ mộng. Hôsê Accađiô Buênđya, mà lúc này đã đính chính dược cảm nhận đẩu tiên của ông về Piêtrô Crêspi và thán phục nghệ thuật khéo léo sử dụng các máy âm nhạc của anh, đã can thiệp vào câu chuyện, nhưng mọi cố gắng của ông đều trở nên vô ích. Vậy là khi Pila Tecnêra báo cho Aurêlianô biết rằng Rêmêđiôt đã sẵn sàng lấy chồng thì anh hiểu rằng cái tin này sẽ kết thức mọi day dứt cho cha mẹ mình.

Nhưng chính tin ấy lại đặt anh đối mặt với hoàn cảnh thực tế.

Được mời lên phòng khám tham dự một buổi tọa đàm thường lệ Hôsê Accađiô Buênđya và Ucsula bình tĩnh nghe những lời bày tỏ của con trai. Khi biết tên người yêu của con trai, Hôsê Accađiô Buênđya đỏ bừng mặt vì hổ thẹn. "ái tình là một thứ dịch hạch", ông nổi cáu giáng đòn sấm sét. "Có biết bao cô gái xinh đẹp và danh giá cho mày, thế mà mày lại đi lấy con gái kẻ thù của tao". Song Ucsula lại tán thành sự lựa chọn của con trai. Bà bày tỏ cảm tình yêu quí của mình đối với bảy chị em nhà Môscôtê, tất cả đều xinh đẹp và chịu thương chịu khó, đều nền nếp và được giáo dục tốt. Và bà chúc mừng sự sáng suốt của con trai mình trong việc lựa chọn người bạn trăm năm. Bị nhiệt tình của vợ thuyết phục, Hôsê Accađiô Buênđya đặt một diều kiện: Rêbêca, vốn là người thích hợp, sẽ lấy Piêtrô Crêspi.

Trong một chuyến du lịch khi có thời gian, Ucsula sẽ mang Amaranta ra tỉnh để cho việc giao du với một công chúng khác hẳn sẽ làm cho cô khuây khoả dần dần, rồi cô sẽ tỉnh mộng.

Rêbêca bình phục rất nhanh chóng khi được biết ý kiến thống nhất của gia đình và lập tức viết một bức thư vui báo tin cho người yêu biết quyết định chính thức của bố mẹ mình, rồi cô bỏ vào thùng thư mà không cần tới người trung gian nữa.

Amaranta giả vờ tuân theo quyết định của cha mẹ và dần dần cũng khỏi sốt nhưng lòng vẫn nhủ rằng Rêbêca muốn lấy được Piêtrô Crêspi thì phải bước qua xác chết của mình. Ngày thứ bảy sau đó, Hôsê Accađiô Buênđya mặc bộ dạ sẫm màu, áo sơ mi cổ cồn, đi đôi ủng da sơn dương từng được trưng diện trong đêm ăn mừng nhà mới đến hỏi Rêmêđiôt Môscôtê cho con trai mình. Quan thanh tra và phu nhân ngài vừa mừng vừa lo đón tiếp ông, bởi vì họ chưa biết ngụ ý của chuyến đến thăm đường đột này, rồi sau đó họ lại nghĩ rằng ông nhầm lẫn tên người con gái được lựa chọn. Để tránh hiểu lầm, bà mẹ đánh thức Rêmêđiôt và bế cô trên tay ra phòng khách. Cô bé vẫn còn đang ngái ngủ. Người ta hỏi cô bé rằng nếu quả thật là cô đã muốn lấy chồng và cô bé vừa khóc vừa trả lời rằng cô chỉ muốn được mọi người để yên cho mình ngủ. Hôsê Accađiô Buênđya do đã hiểu được sự lúng túng của vợ chồng Môscôtê bèn về nhà nói rõ mọi chuyện cho Aurêlianô nghe. Khi ông trở lại nhà Quan thanh tra, vợ chồng Môscôtê đã ăn mặc theo đúng lễ tân, sắp xếp lại bàn ghế và thay hoa mới vào bình. Mệt mỏi bởi phải làm chuyện miễn cưỡng và bởi cái cổ cồn cài cúc chặt cứ riết lấy cổ đến khó chịu, Hôsê Accađiô Buênđya đã khẳng định rằng quả thật Rêmêđiôt là người được Aurêlianô chọn làm vợ.

"Chẳng ra làm sao cả", đông Apôlina Môscôtê buồn rầu nói. "Chúng tôi còn có sáu cô con gái nữa, tất cả đều chưa có nơi có chốn và đang ở tuổi lấy chồng, và đều lấy làm vui thích nếu được làm vợ chính chuyên của các chàng trẻ tuổi đứng đắn và chăm làm như cậu ấy bên nhà, nhưng tiếc thay Aurêlianô lại duy nhất ưng con bé hãy còn đái dầm".

Phu nhân ngài, một người phụ nữ vẫn giữ được vẻ son sẻ duyên dáng, có đôi mắt và điệu bộ hơi ủ rũ đã phản đối những lời nói hồ đồ của ngài. Khi mọi người uống xong nước hoa quả, vợ chồng Môscôtê đã vui vẻ nhận lời cầu hôn của Aurêlianô. Chỉ có điều bà Môscôtê yêu cầu được nói chuyện riêng với bà Ucsula. Phần vì tò mò, phần vì tự than phiền rằng mình đã bị người ta làm rắc rối trong các vấn đề đàn ông, nhưng thực ra bà rất lo sợ và cảm động, Ucsula đã đến thăm phu nhân Môscôtê vào ngày hôm sau. Nửa giờ sau, bà trở về báo tin rằng Rêmêđiôt chưa đến tuổi thành niên. Aurêlianô không coi đó là một trở ngại lớn. Anh đã đợi lâu rồi nên có thể đợi bao lâu nữa cũng được, cho tới khi cô gái đến tuổi dậy thì.

Ngôi nhà lấy lại không khí yên vui đầm ấm và nó chỉ bị đảo lộn khi Menkyađêt qua đời. Mặc dù cái chết của cụ đã là một sự kiện hiển nhiên, song thời điểm xảy ra thì không ai đoán trước được.

Sau khi trở lại được mấy tháng, trong cơ thể cụ diễn ra quá trình già lão rất nhanh và rất mạnh, đến mức lập tức cụ bị coi như những cụ cố già lụ khụ, đi lại vất vưởng như những chiếc bóng ở trong phòng, nặng nề kéo lê đôi chân, mồm lảm nhảm nói to những ký ức thuở oanh liệt của đời mình và trên thực tế các cụ già là những người không được mọi người quan tâm chăm sóc và nhớ đến cho tới một ngày kia, sáng ra các cụ đã chết còng queo trên giường nằm. Lúc đầu Hôsê Accađiô Buênđya giúp đỡ cụ, thích thú cái tân kỳ của nghề ảnh, và những lời tiên tri của Nostrađam. Nhưng rồi dần dần ông bỏ mặc cụ trong thế giới cô đơn của riêng cụ, bởi vì sự giao tiếp giữa hai người ngày một khó khăn hơn. Cụ cứ ngày một loà và điếc hơn, dường như cụ nhầm lẫn những người hỏi chuyện mình với những người cụ quen trong các thời xa xưa của loài người và cụ trả lời những câu hỏi của họ bằng những câu nói rườm rà lẫn lộn các thứ tiếng với nhau. Như thể được linh cảm trực tiếp hướng dẫn, cụ sờ soạng không khí mà đi. Dù rằng phải len lỏi giữa các đồ vật vẫn không hề làm chúng rơi đổ. Một ngày nọ cụ quên lắp hàm răng giả, vẫn được ngâm trong ca nước để ở ngăn cạnh đầu giường. và cụ không dùng đến nó nữa. Khi Ucsula quyết định mở rộng ngôi nhà ở, bà đã làm cho cụ một căn buồng riêng ngay bên cạnh xưởng kim hoàn của Aurêlianô.

Căn buồng này cách xa những tiếng ồn ào và công việc bếp núc, có một cửa sổ ánh sáng chan hoà rọi vào phòng và một giá sách gồm các cuốn sách hầu như đã rách nát bởi bụi bặm và gián nhấm, những mẩu giấy vụn chi chít ghi những con chữ không thể đọc được và ca nước đựng hàm răng giả đã có những cây bèo trổ hoa vàng nhỏ li ti, tất cả đều do Ucsula tự tay sắp đặt. Căn phòng mới dường như khiến cụ Menkyađêt hài lòng vì không bao giờ thấy cụ ra khỏi phòng mình, ngay cả những lúc ăn cơm cũng không thấy cụ có mặt trong phòng ăn. Cụ chỉ đi sang xưởng kim hoàn của Aurêlianô và cụ vẫn ở lại đây hàng giờ, và hàng giờ để viết thứ văn chương khó hiểu trên những tấm da thuộc. Hình như những tấm da này cứ rạn nứt ra bởi chúng được làm từ chất liệu khô khốc như bột làm bánh phồng. Tại đó, cụ xơi cơm do Visitaxiôn mang đến một ngày hai lần, mặc dù tròng những ngày cuối đời cụ không thích ăn và chỉ ăn rau thôi.

Ít lâu sau, cụ mang vẻ cô đơn buồn tủi của những người ăn chay. Một lớp rêu non giống hệt lớp rêu rậm rì phong trên chiếc áo khoác ngoài tứ thời không bao giờ chịu cởi ra, đã phủ lên lớp da cụ, và hơi thở của cụ nồng nặc mùi rắm của con vật đang ngủ. Aurêlianô cũng quên cụ, vì anh mê mải viết những vần thơ của mình. Nhưng cũng có những lúc anh tưởng mình hiểu được đôi điều cụ nói trong lúc cụ độc thoại bâng quơ và anh đã chú tâm nghe. Thực ra, điều duy nhất anh có thể phân biệt được trong ngôn từ khó hiểu của cụ là sự lắp đi lắp lại không cùng của từ Ekinôxiô(1) và tên Alêchxanđơ Vôn Humbon(2). Accađiô gần gũi cụ hơn khi cậu bé giúp việc cho Aurêlianô ở trong xưởng kim hoàn. Menkyađêt đã đáp ứng lại sự cố gắng giao tiếp ấy bằng cách đôi lúc xổ ra hàng tràng tiếng Tây Ban Nha rất ít liên quan đến thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có một buổi chiều nọ, cụ bỗng bừng vui lên một lúc. Những năm sau này, đứng trước những họng súng của đội hành hình, Accađiô nhớ lại nỗi kinh hoàng của mình khi nghe cụ Menkyađêt đọc vài trang bản thảo. Dĩ nhiên cậu không hiểu ý nghĩa của chúng, nhưng khi nghe cụ đọc to thành lời cậu có cảm tưởng chúng giống như lời ngâm chỉ dụ của Giáo hoàng. Sau đó lần đầu tiên trong nhiều năm, cụ mỉm cười và nói bằng tiếng Tây Ban Nha: "Khi ta chết, hãy thiêu ta trên ngọn lửa thuỷ ngân ba ngày ở ngay trong phòng này". Accađiô kể lại cho Hôsê Accađiô Buênđya nghe điều ấy, và thế là ông cố gắng tìm mọi cách để có thể được Menkyađêt giảng giải rõ ràng hơn, nhưng ông chỉ nhận được một câu trả lời gọn lỏn: "Ta đã đạt tới trình độ bất diệt". Khi hơi thở của Menkyađêt đã nặng mùi, Accađiô đưa cụ ra sông tắm vào buổi sáng ngày thứ năm hàng tuần. Dường như cụ khoẻ lại. Cụ cởi quần áo và cụ lội xuống sông tắm cùng với lũ trẻ, và linh giác thần bí có khả năng dắt dẫn cụ đã giúp cụ tránh được những quãng sông nguy hiểm nhiều đá tảng. "Chúng mình thảy đều sinh ra từ nước", có lần cụ nói vậy. Cụ sống như thế khá lâu mặc dù không ai nhìn thấy cụ ở trong nhà trừ cái độ cụ cố gắng hết sức để sửa lại cây đàn pianô tự động. Khi cùng Accađiô đi ra sông tắm, cụ mang theo gáo múc nước làm bằng vỏ quả bí, và một cục xà phòng gói trong khăn tắm kẹp dưới nách. Có một ngày thứ năm, trước khi người ta gọi cụ đi ra sông, Aurêlianô nghe thấy cụ nói: "Ta đã chết vì sốt rét ở những cồn cát xứ Xinhgapo". Ngày hôm ấy, cụ lội xuống sông theo một lối đi nguy hiểm và người ta không tìm thấy cụ cho đến sáng hôm sau là lúc thi hài cụ giạt vào một cù lao rực rỡ ánh nắng nằm ở phía hạ lưu khoảng vài kilômét, có một con diều hâu lẻ đàn đậu ngay trên bụng cụ. Cưỡng lại những lời phản đối om xòm của Ucsula, người khóc cụ còn thảm thiết hơn cả khóc chính cha mình, Hôsê Accađiô Buênđya chống lại việc dân làng định mai táng cụ ngay. "Cụ là đấng bất diệt, - ông nói - và chính cụ đã làm sáng tỏ cái cách thức hồi sinh". Ông làm sống lại ống dẫn nước bị lãng quên, và đun sôi một chảo thuỷ ngân ở bên cạnh tử thi ngày một dày đặc những mụn phỏng xanh lè nước. Đông Apôlina Môscôtê bạo dạn nhắc ông rằng người chết trôi không chôn ngay sẽ nguy hại cho sức khoẻ chung của dân làng. "Không phải thế, vì cụ vẫn sống mà". Đó là câu trả lời của Hôsê Accađiô Buênđya, người đã thực hiện đầy đủ sáu mươi hai giờ đốt lửa thuỷ ngân bên tử thi và khi những mụn phỏng xanh lè nước của cái tủ thi ấy bắt đầu bung ra như ngô nở với tiếng nổ lép bép đã làm cho căn nhà nồng nặc mùi khó chịu. Chỉ đến lúc ấy ông mới cho phép người ta chôn cụ, nhưng không phải dưới bất kỳ hình thức nào, mà phải với những lễ nghi trọng thể đối với vị ân nhân vĩ đại nhất của làng Macônđô. Đó là đám tang đầu tiên và xúc động hơn cả mà người ta thấy trong làng này, và nó chỉ bị đám tang của Bà Mẹ vĩ đại sau gần một thế kỷ lấn át thôi. Người ta chôn cất cụ trong một nấm mồ nổi lên ở chính giữa bãi đất mà làng đã dành làm nghĩa địa, với một bia mộ khác nổi điều duy nhất người ta đã được biết về cụ: MENKYAĐÊT. Người ta cử hành chín đêm tang lễ cho cụ. Trong đám đông tụ tập ở ngoài sân để uống cà phê, tán gẫu và đánh bài, Amaranta đã tìm được dịp để tự thổ lộ tình yêu với Piêtrô Crêspi, người cách đây mấy tuần đã chính thức xin cầu hôn với Rêbêca và đã dựng cửa hàng nhạc cụ và đồ chơi bằng dây da ở ngay địa điểm trước đây những người Arập đến ở để đổi các thứ hàng vặt vãnh lấy những chú vẹt đuôi dài, và dân làng vẫn quen gọi nó là đường Thổ Nhĩ Kỳ. Anh chàng người Ý, với mái tóc xoăn vàng óng trên đầu từng khiến cho các bà phụ nữ phải thở dài thèm muốn, không cần phải nghĩ ngợi nhiều đã đối xử với Amaranta như với một cô bé nghịch ngợm.

- Tôi còn có một người em trai nữa, - anh bảo cô gái, - cậu ấy sẽ đến để giúp tôi trông nom cửa hàng mà.

Amaranta cảm thấy tủi thân, và cô nổi cơn giận dữ nói với Piêtrô Crêspi rằng cô đã quyết chí ngăn cản đám cưới của chị mình, cho dù người ta phải lôi xác chết của mình ra khỏi nhà.

Anh chàng người Ý cảm động trước sự đe doạ bi thương đó đến mức không dám nói lại với Rêbêca. Chuyến du chơi của Amaranta, lúc nào cũng bị Ucsula thúc giục, đã được chuẩn bị trong vòng một tuần. Amaranta không cưỡng lại, nhưng khi hôn tạm biệt Rêbêca, cô đã rỉ tai chị mình:

- Đừng vội mừng nhé. Dù cho người ta mang em đến tận gầm trời cuối đất em sẽ tìm được cách để ngăn cản chị lấy chồng, như vậy thì em phải giết chị thôi.

Ngôi nhà dường như to ra và trống trải hơn khi không có Ucsula ở nhà và khi cụ Menkyađêt đã qua đời nhưng hình như hình bóng cụ vẫn thấp thoáng đi lại trong các phòng. Rêbêca trông nom công việc nội trợ, còn cô gái Anhđiêng trông nom cửa hiệu kẹo bánh. Vào lúc chập tối, khi Piêtrô Crêspi, mặc quần áo dịu thơm mùi oải hương đến, luôn luôn mang theo một thứ đồ chơi làm tặng vật, thì cô người yêu tiếp anh ngay trong phòng khách mở toang các cửa để tránh mọi ngờ vực. Đó là một sự cẩn thận không cần thiết bởi vì chàng thanh niên người Ý đã từng thể hiện mình là con người cao thượng đến mức không dám cầm tay người con gái sẽ là vợ mình trước khi cưới một năm. Những buổi đến chơi đó khiến cho ngôi nhà ngày một chật ních các đồ chơi. Những vũ nữ khiêu vũ nhờ lên dây cót, những hộp nhạc, những con khỉ làm xiếc trên dây, những con chiến mã đang tung vó phi, những thằng hề đánh trống, đó là cả một bộ sưu tập đồ chơi bán cơ khí phong phú và kỳ diệu và nó đã an ủi được Hôsê Accađiô Buênđya đang âu sầu đau đớn trước cái chết của Menkyađêt và chúng lại đưa ông trở về với thời kỳ ông háo hức trước thuật giả kim. Vậy là ông sống trong một thế giới những con vật bị mổ bụng, những cỗ máy bị bổ ra để nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống chuyển động liên tục dựa trên những nguyên tắc của quả lắc đồng hồ.

Về phần mình, Aurêlianô đã bỏ mặc công việc trong xưởng kim hoàn để dạy cô bé Rêmêđiôt học đọc và học viết. Lúc đầu cô bé vòi ông khách vẫn thường đến chơi vào các buổi chiều mang cho mình những cán búp bê, và cô bé sẽ là đứa trẻ đáng trách nếu người ta dẹp ngồi trong phòng cùng tiếp khách. Nhưng với đức tính kiên trì và tận tình, Aurêlianô đã cám dỗ được cô bé đến mức nó ngồi với anh hàng giờ đồng hồ để lĩnh hội các bài học và dùng bút chì mầu vẽ trên một tấm bảng con bức tranh những ngôi nhà nhỏ với đàn bò cái đang gậm cỏ ngoài vườn và ông mặt trời tròn gác trên đỉnh núi tỏa chiếu những tia nắng vàng.

Chỉ riêng mình Rêbêca đau khổ trước lời đe doạ của Amaranta. Cô hiểu rất rõ tính cách, thói ương bướng và lòng căm thù sâu sắc của cô em. Những thứ ấy đang làm cô lo sợ.

Hàng giờ ngồi trong buồng tắm, cô mút ngón tay tự kiềm chế cơn thèm để khỏi ăn đất. Cô gọi Pila Tecnêra đến nhà xem bói cho mình để dẹp bớt nỗi lo lắng trong lòng. Sau khi chương bài rồi sắp xếp các quân bài đầy hào hứng, Pila Tecnêra xuất thần bói:

- Em chưa được sung sướng khi mà cha mẹ em chưa được chôn cất tử tế!

Rêbêca rùng mình. Như một giấc mơ cô nhớ lại thấy mình còn bé bỏng lắm, bước vào nhà mang theo một cái rương nhỏ, một chiếc ghế xích đu gỗ và một bao tải chưa bao giờ biết trong đó đựng cái gì. Cô nhớ một công tử hói đầu, mặc vải lanh và trên cổ áo sơ mi đơm một chiếc cúc vàng, người ấy chẳng có liên quan gì với người đàn ông trong lá bài. Cô nhớ một thiếu phụ lộng lẫy rất trẻ, có đôi bàn tay mềm mại và thơm phức mùi nước hoa không hề giống với những bàn tay mắc chứng phong thấp của người đàn bà trong lá bài, thiếu phụ ấy đã cài hoa lên tóc cô và dẫn cô đi dạo chơi quanh làng có những con đường xanh trong buổi chiều vàng.

- Em không hiểu, - cô nói.

Pila Tecnêra bối rối:

- Chị cũng thế, nhưng những quân bài đã nói vậy đấy.

Rêbêca hoảng hốt, ngày đêm không lúc nào yên khi nghĩ tới lời tiên đoán ấy, đã phải nói lại cho Hôsê Accađiô Buênđya nghe và ông này lập tức mắng át đi, không chịu chứng thực lời đoán của cái lá bài. Nhưng trên thực tế, ông lại thầm lặng lục tìm cái túi tải đựng xương người ở khắp nhà: hết lục tủ rương hòm lại xoay chuyển bàn ghế, lật giường mà vẫn chẳng thấy. Ông nhớ ra từ ngày xây lại nhà mình không nhìn thấy nó nữa. Ông bí mật gọi những người thợ nề đến nhà và một người trong số họ khẳng định rằng anh ta đã đặt túi tải xương người ấy vào một cái hốc tường rồi trát vữa lại vì nó cứ quấy rầy, làm anh rối trí không làm được việc, nhưng lúc này anh không nhớ rõ bức tường ấy thuộc phòng nào. Sau vài ngày dò tìm, với lỗ tai áp sát vào tường, họ đã tìm thấy tiếng kêu lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc thầm thì chìm trong tường. Họ đục bức tường và thấy những xương người trong túi tải còn mới nguyên. Ngay ngày hôm đó, người ta mai táng hai bộ xương người trong một nấm mồ không bia mộ ở ngay cạnh mộ cụ Menkyađêt. Hôsê Accađiô Buênđya trở về nhà lòng thanh thản như vừa trút bỏ gánh nặng y hệt như ký ức về Pruđênxiô Aghila trước đây từng đè nặng lên lương tri ông. Khi đi qua nhà bếp, ông hôn lên trán Rêbêca rồi bảo:

- Hãy rũ sạch những ý nghĩ tội nghiệp ấy đì, con ạ! - Ông nói - Từ đây trở đi con sẽ được hạnh phúc.

Tình bạn của Rêbêca đã mở cửa cho Pila Tecnêra đến nhà. Thị đã bị Ucsula cấm cửa kể từ ngày đẻ Accađiô. Như sự chạy nhảy ồn ào của bầy dê cái thị đến nhà vào bất cứ giờ nào và thị hăng hái làm mọi việc nặng nhọc. Đôi lúc thị có mặt trong xưởng kim hoàn và bằng cử chỉ hoạt bát giúp đỡ Accađiô thoa mịn giấy ảnh trong tình cảm âu yếm. Cuối cùng thị đã làm cho cậu lúng túng. Người đàn bà ấy đã làm cậu hoang mang. Nước da rám nắng, mùi khét, tiếng cười khúc khích trong phòng tối của thị khiến cậu thở rộn rã hối hả, khiến cậu lúng túng hoài, cứ va vấp phải các đồ vật ở xung quanh.

Cũng có những lúc Aurêlianô có mặt trong phòng, mải mê làm việc và Pila Tecnêra dựa người vào bàn mà thán phục anh làm việc cần mẫn và tỉ mỉ. Bỗng nhiên thị xuất thần. Aurêlianô nhận rõ rằng Accađiô đang ở trong phòng. Trước khi ngước mắt lên và bắt gặp đôi mắt của Pila Tecnêra, để lộ ý nghĩ rất sáng rõ như thể chúng lộ ra mồn một ngay ở dưới ánh mặt trời lúc đang trưa, anh hỏi:

- Được! Chị hãy nói cho tôi biết cái gì vậy?

Pila Tecnêra liếm môi rồi nở một nụ cười buồn:

- Anh thích hợp với chiến tranh, - thị nói, - anh đặt mắt ở đâu thì ở đó viên đạn do anh bắn sẽ tới.

Aurêlianô nâng tay tán thành lời tiên đoán ấy. Anh tập trung tư tưởng trở lại với công việc như thể chẳng có chuyện gì vừa xảy ra và anh nói với một giọng bình thản mà rắn rỏi:

- Biết rồi, - anh nói, - cuộc chiến tranh ấy sẽ mang tên tuổi của tôi mà.

Cuối cùng Hôsê Accađiô Buênđya thực hiện được cái mà ông muốn làm. Ông đã nối được vũ nữ nhẩy múa nhờ dây cót vào bộ máy đồng hồ và nó khiêu vũ theo nhạc suốt ba ngày liền. Chiến tích ấy khiến ông vui sướng hơn bất kỳ một công việc hao tâm tổn sức nào của ông trước đây. Ông không ăn. Ông không ngủ. Vì thiếu Ucsula ở bên cạnh để chăm nom và săn sóc, ông tự để cho mình bơi trong thế giới tưởng tượng do đó dẫn ông đến tình dạng hưng phấn thường xuyên. Ông sống những đêm dài trăn trở mà đi đi lại lại trong phòng, mà lảm nhảm tính suy mà tìm cách áp dụng những nguyên tắc của quả lắc đồng hồ cho những chiếc xe bò, cho những lưỡi cày, nghĩa là cho tất cả những gì hữu hiệu được đặt trong chuyển động. Cơn sốt vì mất ngủ làm cho ông mệt mỏi quá tới mức một buổi đêm về sáng nọ ông không thể nhận ra một ông già tóc bạc phơ có cử chỉ ngỡ ngàng bỗng bước vào phòng ngủ. Đó là Pruđênxiô Aghila. Khi nhận ra Pruđênxiô Aghila, ông ngạc nhiên thấy rằng người chết cũng già theo năm tháng. Hôsê Accađiô Buênđya cảm thấy rùng mình vì nỗi nhớ nhung. "A, Pruđênxiô, - ông reo lên, - xa xôi thế mà bác cũng tìm đến đây được sao". Sau rất nhiều năm ở trong cõi chết, nỗi nhở nhung người sống mới da diết làm sao, sự cần thiết phải có bạn mới bức bối làm sao, sự gắn kề một cái chết khác vốn đã tồn tại ngay trong lòng cõi chết mà chính Pruđênxiô Aghila vừa rồi mong cho kẻ thù tệ mạt nhất của mình mới đáng sợ làm sao. Pruđênxiô Aghila đã tốn nhiều thời gian đi tìm ông. Pruđênxiô Aghila hỏi thăm ông qua những linh hồn chết ở Riôacha, qua những linh hồn chết ở thung lũng Uga, qua những hnh hồn chết từ vùng đầm lầy tới, nhưng không một linh hồn chết nào đã trả lời đúng điều ông muốn hỏi, bởi vì Macônđô thời ấy còn là một làng chưa được các linh hồn chết biết tới. Mãi cho tới khi cụ Menkyađêt đến và cụ chỉ cho ông biết một chấm đen trên những tấm bản đồ nhiều màu của thần chết. Hôsê Accađiô Buênđyanói chuyện với Pruđênxiô cho đến tận sáng. Sau đó ít giờ, người phờ phạc vì mất ngủ, Hôsê Accađiô Buênđya bước vào xưởng kim hoàn của Aurêlianô và hỏi anh: "Hôm nay là thứ mấy?". Aurêlianô trả lời cha là ngày thứ ba. "Ta cũng nghĩ như vậy", Hôsê Accađiô Buênđya nói.

"Nhưng ngay lập tức ta hiểu rằng hôm nay vẫn cứ là ngày thứ hai như ngày hôm qua ấy mà. Con hãy nhìn bầu trời kia, hãy nhìn các bức tượng kia, hãy nhìn những chậu thu hải đường kia. Hôm nay cũng vẫn là ngày thứ hai". Đã quen với những lời lẩn thẩn ấy, Aurêlianô không nghe lời ông. Vào ngày hôm sau, tức sáng ngày thứ tư, Hôsê Accađiô Buênđya lại bước vào xưởng. "Đây là một thảm hoạ" - ông nói, "Con hãy nhìn gió kìa, hãy nghe tiếng kêu vo vo của ông mặt trời kìa, y hệt như hôm qua, hôm kia". Đêm ấy Piêtrô Crêspi gặp ông ở ngoài hành lang bang khóc lóc với tiếng khóc khô khốc của người già, khóc cho Pruđênxiô Aghila, khóc cho cụ Menkyađêt, khóc cho cha mẹ của Rêbêca, khóc cho cha mẹ ông, khóc cho tất cả những ai ông nhớ được và lúc ấy họ đang cô đơn trong cõi chết. Piêtrô Crêspi tặng ông một con gấu cử động nhờ dây cót đi hai chân trên một dây sắt, nhưng với quà tặng này anh vẫn không làm ông vui lên được. Ông hỏi anh kế hoạch mà ông đặt ra cho anh từ những hôm trước như thế nào rồi, tức là công việc nói về khả năng xây dựng một cái máy dựa trên nguyên tắc quả lắc đồng hồ có thể nâng bổng bất cứ vật gì trong không trung, có thể giúp con người bay lên. Và anh đã trả lời ông rằng: không thể được, vì là quả lắc đồng hồ có thể nâng bổng bất kỳ một vật nào lên không trung nhưng nó lại không thể tự nâng mình lên được. Ngày thứ trăm ông lại có mặt trong xưởng kim hoàn với bộ dạng đau khổ của mặt đất bị chà sát. "Bộ máy thời gian đã hỏng rồi, - ông khóc nức nở, - còn Ucsula và Amaranta lại ở rất xa". Aurêlianô mắng mỏ cha như mắng một đứa trẻ và ông lại ngoan ngoãn nghe theo. Sáu giờ liên tục ông kiểm tra các đồ vật cố tìm gặp một sự khác biệt về một phương diện nào đó mà ngày hôm qua chúng đã có nhằm phát hiện trong chúng một sự thay đổi chứng tỏ rằng thời gian vẫn trôi chảy tuần tự. Cả đêm ông nằm trên giường, mắt mở thao láo, mà gọi Pruđênxiô Aghila, gọi Menkyađêt, gọi tất cả những người đã chết để họ tới cùng chia sẻ với ông nỗi chán chường. Nhưng không một ai tới. Ngày thứ sáu, ngay trước lúc mọi người thức dậy, ông lại quan sát mọi biểu hiện bên ngoài của thiên nhiên, ông quan sát mãi cho tới khi ông không nghi ngờ rằng hôm ấy vẫn cứ là ngày thứ hai.

Thế là ông vớ lấy thanh gỗ chèn cửa và với sức mạnh tàn bạo vốn có của mình ồng đập phá tan tành các dụng cụ phòng thí nghiệm giả kim, xưởng kim hoàn, cỗ máy ảnh. Rồi như một con ác quỷ ông gào thét bằng một thứ ngôn ngữ có âm thanh sang sảng đồng thời lại thao thao bất tuyệt mà thực tế không thể nào hiểu được. Ông sẵn sàng đập phá nốt cả ngôi nhà cũng vừa hay Aurêlianô đã nhờ hàng xóm đến giúp mình. Phải nhờ tới mười người đàn ông lực lưỡng mới vật đổ được ông, mười bốn người trói ông, hai mươi người lôi ông tới cây dẻ ở giữa sân là nơi người ta bỏ mặc ông bị trói, tha hồ sủa những lời quái dị, thả sức nhổ phì phì thứ đờm xanh lè. Khi Ucsula và Amanranta trở về, ông vản bị trói chặt tay chân vào gốc cây, người ướt, đẫm nước và hoàn toàn ngây dại. Hai mẹ con nói chuyện với ông, nhưng ông không nhận ra người ruột thịt của mình. Ông nói với họ về một cái gì đó không thể hiểu được. Ucsula cởi dây trói nơi cổ tay và cổ chân cho ông, đó là những chỗ thịt đã thành chai do dây thừng thít chặt quá và chỉ để ông bị trói ngang thắt lưng thôi. Sau đó người ta dựng tạm một túp lều lá cọ để che mưa che nắng cho ông.

Chú thích:

(1) Chỉ thời điểm ngày và đêm bằng nhau, và một năm chỉ có hai lần, đó là ngày xuân phân và thu phân.

(2) Alexander Von Humboldt (1769-1859). nhà địa lí người Đức, tác giá cuốn sách nổi tiếng: Cuộc du lịch đến những miền ngày và đêm như nhau của châu lục mới.